Kế hoạch tiến công của Quân đội Nhân dân Việt Nam Trận_đồi_A1

Sau khi Quân đội Nhân dân Việt Nam chiếm được các cụm cứ điểm Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, cánh cửa phía Bắc xuống lòng chảo đã mở thông. Nhưng Phân khu Trung tâm của Pháp vẫn còn 4 trung tâm đề kháng gồm trên 30 cứ điểm liên kết chặt chẽ với nhau nằm giữa cánh đồng bằng phẳng trên hai bờ sông Nậm Rốm. Quân Pháp ở đây tập trung khoảng 1 vạn quân, có sở chỉ huy, các căn cứ hỏa lực, các đơn vị xe tăngsân bay. Đây là khu vực phòng ngự then chốt rất hiểm yếu của Pháp, nếu chiếm được Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ có lợi thế tràn xuống Mường Thanh tiến công vào Sở Chỉ huy của tập đoàn cứ điểm.

Mở đầu đợt tiến công thứ hai của chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy chiến dịch chủ trương tập trung tuyệt đối ưu thế binh hỏa lực tiêu diệt toàn bộ khu đông Mường Thanh. Trung đoàn 174 thuộc Đại đoàn 316 nhận nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm A1, sau đó phát triển tiêu diệt cứ điểm A3 trong điều kiện có chuẩn bị.

Trung đoàn 174 là đơn vị có truyền thống chiến đấu vẻ vang. Trung đoàn được thành lập ngày 19 tháng 8 năm 1949, là con em của nhân dân các dân tộc Cao - Bắc - Lạng và là một trong hai trung đoàn chủ lực đầu tiên của Bộ Tổng Tham mưu. Trung đoàn đã chiến đấu và lập nhiều chiến công trên đường 4 và trong Chiến dịch Biên giới. Trung đoàn có truyền thống về chiến đấu công kiên, sau chiến thắng ở Lai Châu, bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ trung đoàn mới chỉ tham gia kéo pháo làm đường nên lực lượng còn nguyên vẹn. Cán bộ và chiến sĩ đều vừa qua thời kỳ học tập quân sự và chỉnh huấn chính trị. Trình độ kỹ thuật, chiến thuật đã đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ.[3]

Lực lượng trong biên chế của trung đoàn gồm 3 tiểu đoàn bộ binh và các đại đội trực thuộc trung đoàn. Lực lượng được tăng cường gồm: 1 đại đội súng cối 120mm (4 khẩu), 1 trung đội cối 82mm (4 khẩu), 1 đại đội sơn pháo 75mm (3 khẩu) và được 1 đại đội lựu pháo l05mm chi viện (sau khi đã bắn vào C1 50 phát, đại đội này mới chuyển sang bắn vào A1 250 phát). Nếu tính cả ĐKZ 57mm trở lên thì có 36 khẩu pháo các loại.

Từ ngày 17-3, trung đoàn dồn sức xây dựng một hệ thống trận địa tiến công và bao vây quanh tập đoàn cứ điểm. Hệ thống này gồm các đường hào trục, đường hào nhánh để vận chuyển và cơ động lực lượng, hệ thống trận địa tiến công và xuất phát xung phong của các trung đoàn cùng rất nhiều hầm trú ẩn, hầm chỉ huy.

Quyết tâm chiến đấu chính thức của Trung đoàn 174 xác định: Tiểu đoàn 9 làm hướng điểm (lấy Đại đội 317 làm đại đội chủ công) có nhiệm vụ đột phá theo hướng đông vào lô cốt số 1 đánh chiếm khu A, B, C và sau khi cùng Tiểu đoàn 1 tiêu diệt A1, sẽ dùng một bộ phận đột phá vào đông nam C2 phối hợp với Trung đoàn 98 tiêu diệt C2, nếu không có điều kiện thì dùng hỏa lực bố trí ở A1 khống chế C2 yểm hộ cho Trung đoàn 98 (Đại đoàn 316) đột phá; Tiểu đoàn 1 thiếu 1 đại đội làm hướng diện có nhiệm vụ đột phá theo hướng đông nam vào lô cốt số 4, đánh chiếm khu D phối hợp với Tiểu đoàn 9 tiêu diệt toàn bộ quân địch tại A1. Đồng thời cũng chuẩn bị để làm nhiệm vụ tiêu diệt A3 sau khi trung đoàn đã giải quyết xong A1. Sở Chỉ huy trung đoàn cách A1 về phía đông 1.100m.

Về hỏa lực, từ súng cối 81mm trở lên do trung đoàn trực tiếp chỉ huy. Hỏa lực tiểu đoàn chỉ có ĐKZ 57mm và đại liên. Trận địa hỏa lực của trung đoàn và tiểu đoàn được bố trí thích hợp với địa hình và đảm bảo phát huy hỏa lực mạnh, tập trung và cơ động. Riêng trận địa đại đội sơn pháo 75mm bố trí ở điểm cao 491 (đông nam bản Hồng Lim) cách A1 1.300m.

Phương tiện liên lạc chủ yếu là điện thoại, ở những hướng quan trọng có thêm bộ đàm nhưng không được sử dụng trước khi nổ súng để đảm bảo bí mật (trong chiến đấu cũng phải dùng mật mã). Ngoài ra còn các phương tiện giản đơn như truyền đạt viên, cờ, kèn, đèn pháo hiệu.

Liên quan